12 BÍ QUYẾT THAY ĐỔI VẬN MỆNH CON NGƯỜI
- Chia sẻ:
Cuộc đời của mỗi người trên thế gian này đều không giống nhau. Có người cả đời gặp nhiều điều may mắn như ý, khỏe mạnh, trường thọ. Có người đến tận tuổi trung niên vẫn gian nan, về già mới được an nhàn. Có người thời trẻ thì phú quý, vẻ vang nhưng về già lại cơ cực bất hạnh. Có người cả đời lận đận vất vả, mọi việc đều chẳng hanh thông. Vậy nguyên nhân gì khiến vận mệnh của mỗi người là khác nhau? Những bí quyết nào giúp thay đổi vận mệnh?
Để giải đáp cho câu hỏi này, xin độc giả cùng tham khảo 12 bí quyết quyết định và thay đổi vận mệnh của con người được cổ nhân đúc kết dưới đây:
1. Mệnh
Mệnh là cố định không thể thay đổi. Khi sinh ra thì đã được an bài một mệnh sẵn rồi. Mệnh” chính là Bát tự, Tứ trụ – giờ, ngày, tháng, năm sinh viết theo Thiên can và Địa chi. Căn cứ vào “Bát tự” của một người, người ta có thể suy tính ra quỹ đạo vận hành, vinh nhục, phúc họa, bần phú, thọ yểu trong cuộc đời của một người.
Mệnh chỉ bản thể gốc của chúng ta giống như con thuyền trước khi hạ thủy. Nó được làm bởi chất liệu gì, thiết kế ra sao, công năng thế nào vv… Ngay từ khi ta được mẹ thai nghén trong 9 tháng 10 ngày, mã gen và môi trường năng lượng xung quanh đã cấu thành nên phẩm chất của ta. Từ các thông tin giờ – ngày – tháng – năm sinh Tử Vi mã hóa các thông số, giải nghĩa chính xác nhất năng lượng bản thể một người. Tìm ra tính cách và lộ trình, khái quát cuộc đời chung của họ. Mệnh của chúng ta là bất biến không thể thay đổi vì không thể sanh lần thứ hai.
Một số người nguyên ban đầu vốn là đã có xe tốt, nguyên liệu đầy ắp. Giả sử đường đời không bằng phẳng thì vẫn đến đích nhanh chóng. Trái lại, nhiều người chỉ có chiếc xe kém chất lượng. Đường đi lại gập ghềnh khúc khuỷu, nhưng bởi vì cả đời cần cù chịu khó, cẩn thận từng ly từng tý, lái xe rất chuyên tâm, kết quả tuy đi chậm hơn người ta nhưng cũng được bình an.
2. Vận
Nếu ví “mệnh” là một chiếc xe thì xe của một người là loại gì, cấu tạo như thế nào, đó là “mệnh”. Còn con đường phía trước ra sao để đi hết cuộc đời đó lại là “vận”.
Vận chỉ thời gian sống của con người. Chia ra thành các đại vận 10 năm, tiểu vận 1 năm và nguyệt vận 1 tháng. Mỗi thời khắc đều tương ứng với ngũ hành nhất định.
– Khi Vận đi vào ngũ hành tương sinh cho Mệnh của ta thì ta may mắn, ăn nên làm ra, có người giúp đỡ, khó khăn đến cũng nhẹ nhàng hóa giải, vạn sự hanh thông.
– Khi Vận đi vào ngũ hành tương khắc Mệnh thì như thêm dầu vào lửa. Khi đó ta trở nên u uất, năng lượng không có, đầu óc mộng mị, sức khỏe kém, hay quyết định sai, tiểu nhân hãm hại, việc tới tay làm không được, phụ tình, các mối quan hệ phản bội. Làm ta suy sụp, nhưng đây lại là lúc ta trưởng thành hơn.
“Mệnh” là cố định không thay đổi, nhưng “vận” lại nằm trong tay của mỗi người. Ta không đổi được mệnh nhưng có thể quyết định được thái độ của bản thân và cách ứng xử trước vận hạn.
Trong năm tốt cũng có những lúc xấu mà trong năm xấu cũng có lúc trời cho ta thở lấy hơi rồi lại dìm ta xuống. Đó là cái tình, cái biến thiên của thời vận. Người hiểu bản thân MỆNH biết tiến lui hợp thời VẬN bao giờ cũng sẽ đạt được viên mãn đích thực.
3. Phong thủy
Phong thủy chia làm hai lĩnh vực:
- Âm trạch: Là mộ phần. Phong thủy cho rằng, nếu được an táng vào một cuộc đất tốt về phong thủy thì sẽ truyền được phúc đức cho con cháu đời sau.
- Dương trạch: Là cuộc đất được dùng vào mục đích sinh sống. Dương trạch phải hài hòa với thiên nhiên, có môi trường tốt đẹp, làm cho con người thấy vui tươi, mạnh khỏe, hạnh phúc. Dương trạch tốt tức là môi trường tốt.
Người xưa quan niệm số mệnh của một con người không chỉ phụ thuộc vào Mệnh mà còn chịu ảnh hưởng của âm phần và dương phần nên có câu “Nhất Mệnh, nhì vận, tam phong thủy”.
Phong thủy có vai trò rất to lớn, tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ, có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn mệnh vận. Nó là nhân tố quyết định sự thành bại. Nếu phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai họa khi vào vận xấu, giúp gia tăng sự thành công và may mắn khi vào vận tốt.
>>> Xem thêm: Lập lá số Tử Vi
4. Hành thiện
Hành thiện tích đức chính là làm việc tốt, việc thiện giúp đời. Cổ nhân thường giảng: “Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo”. Bất luận là văn hóa Nho gia, hay là văn hóa Phật gia, Đạo gia thì đều đề xướng việc giúp người tích đức hành thiện, từ đó mà thay đổi vận mệnh. Thực tế cũng đã nhìn nhận rất nhiều trường hợp hành thiện tích đức góp phần cải thiện số mệnh và tuổi thọ.
Làm việc thiện để tích phước đức là điều ai cũng biết, nhưng nếu làm việc thiện mà tâm bất thiện thì kết quả lại trái ngược hoàn toàn. Âm tức là tiềm ẩn, là lòng tốt âm thầm. Chúng ta đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức thì không cầu người khác biết, cũng không mong được người tán thán hay cầu sự trả ơn. Có câu nói: “Phật chỉ xét nhân tâm”, vậy nên tâm tính mới là gốc của hành thiện và hành động ấy mới được Thần Phật chứng giám, thiện quả mới kết trái đơm hoa.
5. Đọc sách
Đọc sách chính là bồi dưỡng văn hóa, tăng thêm tri thức. Đọc sách cũng là phương thức nhanh chóng và tốt nhất để học hỏi văn hóa từ cổ chí kim, thu nạp được lượng tri thức rộng lớn và trở thành người thông tuệ.
Đọc sách giúp con người có thêm cái nhìn đúng đắn về thế giới quan và nhân sinh quan. Nhờ đọc sách chúng ta có thể thông hiểu lời răn dạy của các bậc hiền triết thời xưa. Nhờ đọc sách, chúng ta có thể rút ra những bài học từ vô số các câu chuyện kim cổ. Mở mang kiến thức, hấp thụ tinh hoa, hình thành những quan niệm đúng đắn cho bản thân.
Đọc sách giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn, không còn bị giới hạn bởi một góc nhỏ bé của cuộc sống. Cùng với việc không ngừng đọc sách, sẽ hun đúc nên trong chúng ta một tấm lòng rộng mở, lý tưởng và tín niệm cao xa hơn. Cho nên, từ xưa đến nay, đọc sách luôn là phương pháp quan trọng thay đổi vận mệnh của con người.
6. Tên
Cổ nhân có câu: “Cho con nghìn vàng không bằng cho con một cái tên”. Từ nghĩa bề mặt cũng có thể thấy cổ nhân rất coi trọng việc đặt tên cho con cái. Một cái tên tốt, ý nghĩa sẽ có tác dụng khích lệ đối với cuộc đời mỗi người. Thậm chí còn có tác dụng dẫn dắt, chỉ đường.
Việc đặt tên có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cái tên có vai trò ảnh hưởng rất nhiều đến vận mệnh của cả một đời người. Cái tên của mỗi người chính là biểu tượng phản ánh toàn bộ chủ thể bản thân con người ấy. Cái tên cũng dùng rất nhiều trong giao tiếp, trong học tập, sinh hoạt, công việc hàng ngày. Vì lẽ đó, cái tên tạo thành một trường năng lượng có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến vận mệnh mỗi con người.
Cái tên có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Không những chỉ mang yếu tố thẩm mỹ mà về yếu tố Âm Dương, Ngũ Hành. Cái tên còn có vai trò rất quan trọng trong việc cải tạo vận mệnh của mỗi người. Tên phải cân bằng về mặt Âm Dương, tên còn cần phối hợp tạo thành quẻ tốt lành trong Kinh Dịch. Hoặc Tên phải có ý nghĩa cao đẹp, gợi lên một ý chí, một biểu tượng, một khát vọng, một tính chất tốt đẹp trong đời sống.
Những người có tên không tốt hoặc vận mệnh đang gặp khó khăn trở ngại thì đổi tên. Đây được xem là một trong những phương pháp hiệu quả để cải tạo vận mệnh của chính mình.
>>>Xem thêm: Tử Vi ứng dụng
7. Tướng
Nhân tướng học hay còn gọi là môn khoa học dự đoán về vận mệnh của con người thông qua các bộ phận thân thể của con người. Từ hình thể bề ngoài đến khí chất tinh thần, cốt cách bên trong. Theo các nhà tướng học, tướng cách là một trong những hình thức thể hiện vận mệnh. Cho nên nhân tướng cho biết vận mệnh là điều tất nhiên.
Thời xưa có câu: “Tướng do tâm sinh, tâm do cảnh tạo, cảnh tùy tâm chuyển”. Ý nói rằng, thông qua tướng mạo bên ngoài của một người có thể phân tích ra được ý nghĩ trong nội tâm của người ấy. Mắt ác tâm tất xấu, mắt thiện tâm tất thiện. Tu đức tại tâm, cho nên điều cát hung là có thể thay đổi. Tâm khởi thiện niệm, các loại phúc báo sẽ lập tức đến.
8. Kính Thần
Kính Thần nghĩa là luôn có tâm kính sợ Thần linh thánh nhân. Khổng Tử đã dạy các đệ tử của ông rằng, làm việc nghĩa, có ích cho dân. Tuy phải kính trọng quỷ thần nhưng không cầu cạnh quỷ thần, mà nên tránh xa quỷ thần, đó là trí. Người xưa cũng nói: “Bậc quân tử có ba cái sợ. Sợ mệnh trời, sợ đại nhân, sợ lời của Thánh nhân.”
Mệnh trời tức là quy luật vận hành của Đạo Trời, cần phải kính trọng Đạo Trời. Sợ đại nhân tức là người tu dưỡng đạo đức rất cao, cần phải kính sợ họ, kính sợ bậc bề trên, bậc tôn giả. Sợ lời của thánh nhân, đối với những lời nói của bậc thánh hiền phải có lòng kính sợ. Người nào làm được ba điều sợ này, thì con đường đời sẽ rất vững vàng và ổn định.
9. Kết giao với quý nhân
Kết giao quý nhân tức là chọn người thiện mà kết giao. Người xưa có câu: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Nếu xung quanh một người đều là những người đạo đức cao thượng, thì đạo đức của người ấy cũng sẽ trở nên cao thượng. Trái lại, nếu một người luôn kết giao với những người có đạo đức thấp kém, thì dần dà phẩm hạnh đạo đức của người này cũng sẽ xấu đi.
10. Dưỡng sinh
Dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập bồi dưỡng sinh mệnh. Thông qua các phương pháp như di dưỡng thân và tâm, điều chỉnh tình cảm và ý chí, sinh hoạt hằng ngày… để đạt được mục đích chăm sóc sức khỏe giảm thiểu bệnh tật và kéo dài thọ mệnh.
Trong phép dưỡng sinh của người xưa, vấn đề tu dưỡng đạo đức được đặt ở vị trí cao nhất. Vì người có nhân đức, thì trong lòng bình yên, tâm lý cân bằng ổn định và ý chí không rối loạn. Nhờ đó âm dương luôn luôn cân bằng, khí huyết luôn điều hòa, nên chính khí đầy đủ và bệnh tật không thể phát sinh.
11. Trạch nghiệp và trạch ngẫu
Trạch nghiệp tức là chọn nghề nghiệp công việc, trạch ngẫu là việc chọn bạn đời, kết hôn lập gia đình.
Cổ nhân có câu: “Nam nhân sợ chọn nhầm nghề, nữ nhân sợ lấy nhầm chồng.” Để có một sự nghiệp thành công cũng cần phải có một khoảng thời gian. Một người trước tiên cần phải lập chí theo nghề có hy vọng thành công nhất. Sau đó kiên định không ngừng làm việc mới mong có thành công.
“Gia hòa vạn sự hưng”, vợ chồng hòa thuận, hai người đồng lòng thì quả thực là quý hơn vàng. Đằng sau một người đàn ông thành công, luôn có một người phụ nữ vĩ đại. Đằng sau một người phụ nữ hạnh phúc đều có một người đàn ông đáng tin cậy.
12. Xu cát tị hung
Trong cuộc đời, người ta cần phải luôn phân tích tình huống, xem xét thời thế, minh bạch lành dữ và họa phúc. Khi hoàn cảnh tốt lành thì cần thừa thế mà tiến lên. Trái lại, khi hoàn cảnh hung hiểm, thì cần chú ý cẩn thận.
Có thể thấy, trong 12 nhân tố trên đây, chỉ có “Mệnh” là nhân tố tiên thiên. 11 điều còn lại đều có thể thông qua sự cố gắng của bản thân mà thay đổi được vận mệnh của mỗi người. Bởi vậy mà cổ nhân mới nói, mệnh là tự mình lập. Vận mệnh là nằm trong tay chính bản thân mỗi người.
- Chia sẻ:
- TỬ VI TUỔI DẦN NĂM 2020 – HỔ GẶP HỒ NƯỚC
- ĐẶC ĐIỂM CÁC BỘ CHÍNH TINH TRONG TỬ VI
- XEM TỬ VI KHOA HỌC HAY BÓI TOÁN?
- DỤNG THẦN TỨ TRỤ LÀ HỎA LÀM SAO ĐỂ CẢI MỆNH
- TÍNH CHẤT CỦA TAM HỢP MỘC – HỢI MÃO MÙI
- TỬ VI CANH NGỌ 2019 – THÁCH THỨC TUỔI 30
- TỬ VI XƯA VÀ NAY CÓ GÌ KHÁC NHAU?
- GIẢI MÃ 12 CUNG VÔ CHÍNH DIỆU TRÊN LÁ SỐ TỬ VI
- GIẢI ĐOÁN TIỂU HẠN QUA 8 CÂU PHÚ KINH ĐIỂN TRONG TỬ VI
- LUẬN VỀ SAO THÁI ÂM – NỀN TẢNG CỦA PHÚ QUÝ