CÂU CHUYỆN VỀ SỰ CHUẨN XÁC CỦA QUẺ DỊCH
- Chia sẻ:
Câu chuyện thứ nhất về học trò Khổng Tử
Trong quyển “Luận Hành” của Vương Sung ghi chép lại câu chuyện về môn đồ của Khổng Tử là Tử Cống làm sứ giả đi khắp nơi để truyền bá tư tưởng, đến ngày về vẫn chưa thấy bóng dáng tăm hơi.
Thế là, Khổng Tử bèn gieo một quẻ, nhận được quẻ Hoả Phong Đỉnh, và bài Hào Từ của nó là “Cái vạc gãy chân”.
Các môn đồ của Khổng Tử căn cứ theo lời bài Hào Từ đều cho rằng: “Trong quẻ nói là chân vạc gãy, xem ra Tử Cống bị thương ở chân, tạm thời không về được rồi”. Duy chỉ có Nhan Hồi mỉm cười mà không nói gì.
Khổng Tử hỏi nguyên do, Nhan Hồi đáp: “Tử Cống nhất định sẽ trở về! Dù không đi bằng chân, cũng sẽ ngồi thuyền trở về”. Quả nhiên sau đó không lâu, Tử Cống đã về và về bằng thuyền vì không có ngựa.
Nhan Hồi sở dĩ nói “ngồi thuyền”, là bởi bên dưới quẻ Đỉnh là Tốn, tức là mộc. Còn các môn đồ khác đoán sai, là bởi họ chỉ hiểu được tượng của quẻ Dịch mà không biết đạo lý của quẻ Tượng, đạo lý của Kinh Dịch.
Câu chuyện thứ 2 về Thiệu Khang Tiết
Trong “Mai Hoa Dịch Số” có câu chuyện như sau: Một buổi tối mùa đông vào giờ Dậu (17 giờ – 19 giờ), Thiệu Ung vừa mới đốt lò sưởi ấm, liền có người đến gõ cửa nói muốn mượn đồ.
Thiệu Ung gieo một quẻ, nhận được quẻ Can ở trên, quẻ Tốn ở dưới, tức là vật kim mộc. Con trai của Thiệu Ung đoán là cái cuốc. Thiệu Ung nói, từ quẻ Tượng mà suy đoán, thì nói rìu hay cuốc đều đúng.
Nhưng theo lý mà nói, buổi tối sao lại dùng đến cuốc? Vậy nên tất nhiên là vị khách đến mượn rìu, vì rìu mới có thể chẻ củi sưởi ấm.
Dùng lý của quẻ Tượng để suy luận biến hóa của sự vật, sẽ có sự khác biệt hoặc đôi lúc không chuẩn xác, vậy nên tại sao “Mai Hoa Dịch Số” còn được gọi là “Tâm Dịch”, nguyên nhân chỉ có một mà thôi. Ý của “Tâm Dịch” là cần phải dựa theo tinh thần, tâm linh để cảm nhận, phán đoán dịch số.
Câu chuyện thứ 3 về người tên Triệu Sóc
Trong “Sưu Thần Ký” có ghi lại rằng: Trương Hoa làm Thái thú ở vùng Dự Chương là người giỏi quẻ Dịch, cũng là vị quan nghiêm minh trong việc xử lý tội phạm. Vậy nên những quan lại và tội phạm nơi ông quản lý đều rất sợ hãi, không dám làm trái pháp lệnh.
Trong pháp lệnh có quy định: Tất cả các tử tù đều được phép về nhà từ biệt cha mẹ. Lúc ấy có một tên vì trộm cắp mà bị phán tội tử hình, không lâu nữa sẽ bị xử tử, bèn xin phép về thăm nhà từ biệt người thân, hễ hết kỳ hạn thì phải quay trở lại thụ hình.
Người này trên đường về cố hương, đau đớn khóc lóc vật vã. Khi anh ta đi ngang qua cổng nhà của một người tên là Triệu Sóc, Triệu Sóc nghe thấy tiếng khóc liền hỏi nguyên nhân vì sao.
Người tử tù này kể lại đầu đuôi sự việc, Triệu Sóc nói: “Thế sao ngươi không bỏ trốn?”.
Phạm nhân này nói: “Thái thú Trương Hoa giỏi gieo quẻ, tất cả quẻ ngài ấy gieo đều rất chuẩn xác. Trước đây cũng đã từng có nhiều phạm nhân bỏ trốn, nhưng đều bị ngài ấy tìm ra được, vậy nên tại hạ không dám”.
Triệu Sóc nói: “Ngươi đừng khóc nữa, ta sẽ cứu ngươi. Chỉ cần làm theo mưu kế của ta, đảm bảo có thể tránh được tai họa lần này.
Trên đường về nhà, lúc đi ngang qua sông Hoàng Hà, ngươi hãy dùng ống tre đựng nước, nhớ là ống tre cần phải cao ba thước, đặt lên trên bụng, cứ bộ dạng này mà nằm trên bãi cát vàng, sau ba ngày có thể trở về nhà. Trương Thái thú sẽ không thể bắt được ngươi nữa”. Phạm nhân liền làm đúng y như lời Triệu Sóc nói.
Khi kỳ hạn kết thúc, người bên huyện lệnh đợi mãi mà không thấy phạm nhân quay trở lại, bèn báo lại với Trương Hoa. Thái thú Trương Hoa gieo quẻ, thấy rằng: “Tại sao trên bụng có nước sâu ba thước, lưng lại nằm ở trên đống cát vàng? Người này ắt đã nhảy sông tự vẫn rồi, không cần phải tìm kiếm nữa”.
Kết quả, phạm nhân này một năm sau đã thay tên đổi họ, sống ở quê nhà, thoát được bản án tử hình của quan phủ. Nhân tài giống như Triệu Sóc mới thật sự là am hiểu quẻ Dịch.
Xem thêm: Gieo quẻ kinh dịch hỏi việc chuẩn xác
Kết luận
Xem quẻ Kinh Dịch là một loại kỹ thuật kỹ xảo, được phát triển dựa trên cơ sở nền tảng Kinh Dịch học. Khởi nguồn của xem quẻ có một nền tảng văn hóa sâu xa. Điều mà xem quẻ dựa theo là quẻ Tượng, quẻ Lý. Nhưng nếu gặp phải những người biết rõ đạo lý và kỹ xảo trong xem quẻ, thì vẫn có thể tạo ra những giả Tượng để che mắt. Mặc dù rất chuẩn xác, nhưng Kinh Dịch nhiều khi không thể nói rõ chính xác sự vật sự việc cụ thể nào được.
Bởi vậy, rất nhiều bậc đạo đức thời xưa như Lão Tử, Khổng Tử… tuy am hiểu Dịch học, tinh thông Dịch lý, nhưng lại rất hiếm khi dùng đến kỹ xảo khi xem quẻ. Bởi vì họ hiểu rằng xem quẻ Kinh Dịch để sống thuận thiên ý, “thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong”. Tức Thuận theo Thiên lý tất hưng thịnh, chống lại Thiên lý sẽ tiêu vong. Người xưa hiểu rõ thiên lý, hiện tượng thiên văn, càng hiểu rõ rằng thiên lý là không thể làm trái.
Xem thêm: Xem quẻ Dịch có thể biết được tổng tài sản trong đời
- Chia sẻ:
- Quẻ Dịch số 5: Thủy Thiên Nhu – Minh Châu Xuất Thổ – Dưỡng Sức Chờ Thời
- Quẻ Dịch số 30: Thuần Ly “Thiên Quan Tứ Phúc” Phát phúc sinh tài
- GIEO QUẺ KINH DỊCH HỎI VIỆC
- Quẻ Dịch số 25: Thiên Lôi Vô Vọng “Điểu Bị Long Lao” Tù túng buồn lo
- TRIẾT LÝ KINH DỊCH TRONG TỬ VI
- Quẻ Dịch 52 “THUẦN CẤN” Trở Ngại Trùng Trùng
- Quẻ Dịch 42 “PHONG LÔI ÍCH” – Tiền Hô Hậu Ủng
- Quẻ số 38: Hỏa Trạch Khuê “Phán Trư Mại Dương” – Long đong lận đận
- Quẻ Dịch số 21: Hỏa Lôi Phệ Hạp “Cơ Nhân Ngộ Thực” – Gặp may gặp mắn
- Quẻ Dịch số 27: Sơn Lôi Di “Vị Thủy Phỏng Hiền” Bĩ cực thái lai