x

ĐẠO CỦA LÃO TỬ VÀ NĂM ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN

Ngày đăng: 01-04-2021

ĐẠO CỦA LÃO TỬ VÀ NĂM ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN

Đạo khả đạo, phi thường đạo. Đạo vốn nghĩa là đường, đường đi đúng đắn. Ngay từ thời, Xuân Thu người ta đã dùng đạo để biểu thị quy luật vận hành của thiên tượng, tự nhiên. Đạo cũng được coi là chuẩn mực hành vi của con người xã hội, như nói nhân đạo, đạo lí,… Đến Lão Tử, ông xây dựng học thuyết về Đạo và Đức song song cùng nhau. Trong đó Đạo là trung tâm quan niệm tư tưởng của mình. 

Lão Tử là người đầu tiên coi đạo là cái gốc của vạn vật. Cái Đạo của Lão Tử từ hư không mà thành, từ hỗn thành và là nguồn gốc của trời đất vạn vật. Đạo là khởi nguyên sinh ra tất cả. Đạo sinh một, một sinh hai, hai sinh ba, ba sinh vạn vật,… vạn vật phát triển đến cùng cực lại quay trở về với Đạo. 

Đạo sinh ra vạn vật, sự vật hiện tượng, được khái quát trong 5 đặc điểm lớn cơ bản:

Thứ nhất Đạo khả đạo, phi thường Đạo. 

Có nghĩa là, cái gọi là Đạo, một khi có thể nói ra được, thì không còn là Đạo nữa.

Đạo mà có thể biểu đạt ra bằng ngôn ngữ thì đã không phải là Đạo vĩnh hằng nữa rồi. Nói một cách khác Đạo nói ra được không phải là tự thân Đạo nữa. Quan niệm về Đạo của Lão Tử ý thức được rằng. Đạo có thể sinh ra muôn vật, nhưng Đạo lại không phải là muôn vật. Đạo là muôn vật, nhưng muôn vật không đại diện cho Đạo, không thể khái quát Đạo. 

Đạo tổn tại ngay trong muôn vật, nhưng bản thân Đạo lại là vô, Đạo là không, cũng có nghĩa Đạo là vô cùng. Tất cả mọi loại trong thiên hạ sinh ra từ Có, Có sinh ra từ Không. Thế nhưng trong Đạo đó lại bao chứa cái đại âm không nghe thấy được, cái đại tương không nhìn thấy được.

Đạo là cái nói rằng không nhưng lại có. Đạo nói rằng thực nhưng lại hư. Đạo là mập mờ thấp thoáng. Nhưng trong cái mập mờ đó, hiện diện cái hình tượng của vũ trụ. Nó chứa đựng cả đất trời muôn vật. Đạo vừa sâu xa vừa mờ tối, nhưng trong đó lại Đạo là nguyên lý và nguyên chất của mọi vật chất sinh mệnh. Nguyên lý và nguyên chất đó là rất chân thực, cũng rất đích xác. Trong cái hư vô đó, dường như có thể nhìn thấy cái đại tượng của Đạo, có thể nghe thấy cái Đạo, cảm nhận được Đạo. Ngoài ra, Đạo không thể nói ra. Nhưng đề bàn về Đạo thì lại phải biểu đạt bằng ngôn ngữ. Lão Tử là cưỡng vị chi danh, tức là gọi tên cái vốn không thể đặt tên được. 

Lão Tử đã nhìn thấy rằng Đạo bất khả đạo, nhưng ông vẫn cứ Đạo, nói bằng ngôn ngữ văn tự. Đó có lẽ là sự tương phản tương thành giữa một bên là đã biết rõ rành rành rằng không thể nói ra với bên kia là vẫn cứ phải nói. Và phải chăng đó chính là bí quyết của ma lực hút hồn người ta là ở đó. 

Thứ hai Phân giả Đạo chi động

Đạo là tương phản tương thành. Có thể hiểu rằng. Cao lấy thấp làm nền, sang lấy hèn làm gốc, có lấy không làm dụng, đó tức là mặt trái của nó. Đạo lấy sự tương phản, làm nền gốc của nó. Đạo có luật quân bình và phản phục. Đạo lấy quân bình và phản phục vừa là là động lực phát triển chuyển hoá của sự vật. Đó thật sự là tư tưởng biện chứng chất phác cực kì đáng quý.

Trong giới tự nhiên cũng như trong xã hội loài người đều tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, bất kì sự vật nào cũng từ đối lập mà thành:  lớn –  bé, cao – thấp, trước – sau, sống – chết, tiến – lui, khó – dễ, xưa – nay, đầu – cuối, trí – ngu, đẹp – xấu, cũ – mới, mạnh – yếu, cứng – mềm, hưng – suy, thắng – bại, có – không, lợi  – hại, âm – dương, cong –  thẳng, đực – cái, họa – phúc, nóng – lạnh, nước – lửa, buồn – vui, sướng – khổ,… Những điều tưởng chừng nhưng tương phản và đối lập nhau đều được biểu đạt rõ ràng, hình thành nên sự hài hòa trời đất, con người. 

Đặc điểm thứ ba Đạo thượng nhu, lấy Nhu thắng Cương

Phản giả Đạo chi động, nhược giả Đạo Chi dụng. Trở lại là cái động của Đạo, yếu mềm là cái dụng của Đạo. Lão Tử lấy hình tượng nước ra để nói về đặc điểm này của đạo. Trong thiên hạ không có cái gì nhu nhược như nước. Nhưng dùng để công phá cái rắn mạnh thì không có gì hơn nó, và không có gì thay được nó. Yếu mà thắng mạnh, mềm mà thắng rắn, thiên hạ không ai không hiểu, nhưng không ai làm được. 

Dĩ nhiên đặc điểm này gắn liền với nhân sinh quan của Lão Tử. Ông tin rằng Đạo Trời không thân ai, không sơ ai, trời đất sinh ra muôn vật, cây cỏ chim muông, không phải cốt để cho chúng ăn thịt lẫn nhau, nhưng các sinh vật đều được dùng cái mình sở thích để sống. Lí tưởng ở đời, theo Lão Tử, là sống cuộc đời chất phác, vui với lẽ tự nhiên mà trở về gốc cũ. Lão Tử vốn có chí chung thân phụng sự cho đời, cho đến lúc công thành, sự toại, rồi mới thoái hư. Công toại thân thoái, Thiên chi đạo. 

Ông cho ở đời, thân hình là cái ít đáng quý nhất, vì nó thường là mối lo cho người ta. Đáng yêu quý nhất là lúc người ta đem thân ra phụng sự cho thiên hạ. Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vị ngô hữu thân; cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn? Cố quý dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả kí thiên hạ; ái dĩ thân vị thiên hạ, nhược khả thác thiên hạ. Ta sở dĩ có mối lo lớn là vì ta có thân. Đến lúc ta không có thân, thì ta còn lo gì? Cho nên quý trọng đem thân cho thiên hạ, thì có thể giao phó thiên hạ cho. Yêu thích đem thân cho thiên hạ, thì có thể gửi gắm thiên hạ cho. 

Ông lại nói: “Nhân chi sinh dã nhu nhược, kì tử dã kiên cường. Vạn vật thảo mộc chi sinh dã nhu xuê, kì tử dã khô cảo. Cố kiên cường giả tử chi đồ, nhu nhược giả sinh chi đồ”. Người khi mới sinh thì mềm yếu; khi chết thì cứng và mạnh. Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm giòn, mà khi chết thì khô héo. Cho nên cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sống. Như thế, cường đại xử hạ nhu nhược xử thượng. 

Mạnh và Lớn ở dưới, Mềm và Yếu ở trên. Đạo coi trọng tính nhu, không ở nhu, mà ở cương, hay nói cách khác, nhu chỉ là thủ đoạn, còn mục đích là ở cương để có thể thành công. Giữ được mềm yếu, là Mạnh. 

Đạo thứ tư của Lão Tử: Nhận thức về Đạo phải đủ cả Hư cả Tĩnh

Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh, uyển hề tự vạn vật chi tông. Đạo là Hư và Tĩnh. Đạo thì trống không nhưng đổ vào mãi mà không đầy. Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của muôn vật. 

Nắm vững Đạo, nhận thức muôn vật cũng phải hư và tĩnh vì hư mới có thể chứa muôn vật. Tĩnh mới có thể quan sát trời đất. Đến chỗ cùng cực hư không, là giữ vững được trong cái tĩnh. Muôn vật cùng sinh ra, ta lại thấy nó trở về gốc. Mọi vật trùng trùng, đều trở về với cội rễ của nó. Cội rễ tức là yếu tố Tĩnh. Tĩnh cũng là yếu tốt Phục Mệnh. Phục Mệnh được gọi là Thường. Biết thường gọi mà Minh. 

Đó chính là phương pháp nhận thức của Lão Tử, là một phương pháp trực quan khiến tâm địa trống rỗng sáng suốt để dung nạp muôn vật. Cách này gọi là Huyền lãm. Huyền lãm là nói về tâm thể. Lúc này, đòi hỏi người ta phải dọn tâm cho sạch sẽ, không để bị quấy rối bởi ngoại vật. Cho tâm linh hệt như một tấm gương trong suốt, thì muôn vật tự nhiên sẽ hiện ra trước mắt.

Phép hư tĩnh huyền lãm đó đã ảnh hưởng sâu xa đến tư tưởng học thuật Trung Quốc. 

Thứ năm của Đạo Lão Tử là tự nhiên, chất phác và không đuổi theo danh lợi

Lão Tử nói: Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp Đạo, Đạo pháp Tự nhiên. Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự nhiên. Đạo chi tôn, Đức chi quý, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên. Đạo được tôn, Đức được quý đâu phải là một phận sự bắt buộc, mà là một chiều hướng tự nhiên

Đạo tức là thuận theo tự nhiên, không tác động và xu hướng diễn ra tự nhiên của vạn vật muôn loại. Đạo thì không làm trái với Tự nhiên, nên có được cái tính của nó. Bắt chước Tự nhiên tức là ở vuông thì bắt chước vuông, ở tròn thì bắt chước tròn, so với Tự nhiên không có điều gì trái cả. 

Đạo là trở về với cái chân thật, chất phác, tính nguyên bản, tôn trọng những giá trị nguyên sơ, khởi thủy. Vì bản tính của Đạo là chất phác, Đạo thường vô danh, phác tuy tiểu, thiên hạ mạc năng thần dã. Đạo cũng chẳng có tên. Đạo mộc mạc, tuy nhỏ Đạo dưới trời không có gì thần phục được. Đạo nói ra cửa miệng nhạt nhẽo vô vị. Đạo chất phác phân tán ra thì thành muôn vật. 

Xem thêm: Kinh nghiệm đi lễ ông Hoàng Mười

Đánh giá post

Chat ngay